0

Bạn có đang bị stress? | Safe and Sound

Stress là trạng thái thần kinh bị căng thẳng trong thời gian dài bởi nhiều nguyên nhân như áp lực công việc, học tập, thi cử... Về mặt tích cực, stress tạo động lực và nâng cao hiệu quả công việc. Tuy nhiên, các biện pháp giải tỏa stress là cần thiết trong thời gian dài nhằm đảm bảo sức khỏe tâm thần. 

Vi Nguyễn Duy Minh | Chuyên viên - Viện tâm lý và sức khoẻ tinh thần SnS 

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Nguyên nhân bị stress?

Có 2 nhóm yếu tố chính dẫn đến tình trạng này: các yếu tố bên trong và các yếu tố bên ngoài.

Tồn tại một quan niệm sai lầm phổ biến, đó là sức khỏe tâm thần độc lập và không chịu ảnh hưởng từ sức khỏe thể chất. Trên thực tế, những người ở trong tình trạng sức khỏe không tốt như ốm đau, suy dinh dưỡng... dễ bị stress hơn so với những người có thể chất tốt. Về mặt tâm lý, những suy nghĩ tiêu cực, áp đặt kỳ vọng quá cao lên bản thân... cũng làm tăng khả năng bị stress. Do đó, sức khỏe tâm thần và sức khỏe thể chất có liên quan chặt chẽ.

Bên cạnh đó, các yếu tố bên ngoài như môi trường sống (thời tiết thay đổi, ô nhiễm môi trường), áp lực gia đình (bố mẹ bất hòa) và áp lực xã hội (áp lực công việc, rắc rối tài chính) cũng làm tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Nhận biết được các triệu chứng để thực hiện biện pháp giải tỏa stress kịp thời là vô cùng quan trọng.

2. Triệu chứng cho biết bạn đang bị stress

Stress biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó phổ biến nhất là: (1) Biểu hiện thể chất; (2) Biểu hiện tinh thần; (3) Biểu hiện hành vi; (4) Biểu hiện cảm xúc.

Ảnh 1: Triệu chứng của stress

Về thể chất, người bệnh luôn ở trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Bên cạnh đó là các vấn đề về rối loạn tâm lý, giấc ngủ, tim đập nhanh, đau tức ngực và các vấn đề về tiêu hóa... Về tâm lý, người bệnh bị suy giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung, tâm trạng thay đổi thất thường. 

Bị stress liên tục trong thời gian dài với mức độ nghiêm trọng có thể biểu hiện rõ rệt thông qua hành vi: khóc lóc, rối loạn ăn uống, hấp tấp. Nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể tìm đến các chất gây nghiện để giải tỏa stress hoặc làm hại bản thân. Về cảm xúc, bệnh nhân thường xuyên ở trong trạng thái căng thẳng, lo lắng sợ hãi, dễ vui dễ buồn nhưng phần lớn là tiêu cực. Lúc này, việc tìm đến chuyên gia tâm lý để được tư vấn và tìm ra hướng điều trị, giải tỏa stress là rất quan trọng.

3. Làm gì để giải tỏa stress?

Phòng ngừa stress nên được ưu tiên. Điều này có thể được thực hiện thông qua một lối sống lành mạnh: cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể, thiết lập các mối quan hệ tích cực, ngủ đủ giấc, hạn chế đồ uống có cồn, tập thể dục điều độ... Một lối sống lành mạnh giúp duy trì tâm lý tích cực và nâng cao sức khỏe tâm thần, từ đó giảm đáng kể nguy cơ bị stress.

Ảnh 2: Phòng và điều trị stress

Trong phần lớn trường hợp, người bệnh có thể giải tỏa stress hiệu quả thông qua một lối sống lành mạnh kết hợp với châm cứu, massage, thiền định, yoga... Tuy nhiên, nếu cảm thấy mình đang bị stress vượt quá khả năng kiểm soát, người bệnh cần tìm đến sự trợ giúp từ chuyên gia tâm lý để có biện pháp giải tỏa stress và điều trị kịp thời.

Lúc này, chuyên gia sẽ căn cứ vào tình trạng của bệnh nhân để đưa ra phác đồ phù hợp, có thể sử dụng một số loại thuốc. Hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào thái độ hợp tác của bệnh nhân và bác sĩ. Để việc điều trị đạt được hiệu quả cao, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn từ chuyên gia tâm lý. Đồng thời, sự đồng hành của gia đình và người thân cũng là yếu tố quyết định thành công của đợt điều trị.

: Bạn có đang bị stress? | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound